Không giống như virus cảm lạnh, COVID-19 do SARS CoV-2 gây ra có ảnh hưởng trên khắp các cơ quan nội tạng người. Cùng tìm hiểu về tác động thực sự của loại virus này tới cơ thể người.
COVID – 19 hủy hoại phổi
Đối với hầu hết trường hợp đã xác nhận, phổi là nơi COVID-19 tác động đầu tiên (do tiếp xúc gần với các giọt bắn từ người nhiễm bệnh) và cũng là bộ phận bị tàn phá mạnh nhất. Virus SARS-CoV-2 cũng tương tự như virus cúm – chúng gây ra bệnh về đường hô hấp. Các triệu chứng coronavirus chủng mới ban đầu là sốt, ho, hắt hơi, sau đó có thể tiến triển thành viêm phổi cấp tính.
Từ bài học sau dịch SARS bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan sát thấy căn bệnh này thường tấn công phổi theo 3 giai đoạn: sự nhân lên của virus, sự gia tăng phản ứng miễn dịch và cuối cùng là tổn thương phổi. Tuy nhiên, không phải tất cả người bệnh đều trải qua cả 3 giai đoạn. Trên thực tế chỉ có 25% trường hợp mắc SARS bị suy hô hấp – mức độ nặng của bệnh. Tương tự, theo dữ liệu sơ bộ thì COVID-19 gây ra các triệu chứng nhẹ trong khoảng 82% trường hợp, số còn lại là từ nặng đến nguy kịch.
Giáo sư Matthew B.Frieman, chuyên gia về virus của Đại học Maryland (Hoa Kỳ) cho biết bệnh COVID-19 cũng tiến triển như SARS. Những ngày đầu mới nhiễm, virus tấn công dồn dập các tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào cilia bảo vệ tế bào niêm mạc (màng nhầy). Màng nhầy giúp bảo vệ mô phổi khỏi mầm bệnh và giữ ẩm cho cơ quan hô hấp. Các tế bào cilia tập trung xung quanh tế bào niêm mạc, “dọn dẹp” các vật thể lạ như phấn hoa hoặc virus.
Được biết virus gây SARS rất thích lây nhiễm và tiêu diệt các tế bào cilia, sau đó làm bong tróc lớp bảo vệ này. Khi đó đường thở của người bệnh sẽ bị lấp đầy bởi chất bẩn và dịch lỏng hay virus. Giáo sư Frieman đưa ra giả thuyết rằng virus corona chủng mới cũng có cách thức tấn công tương tự khiến nhiều người mắc COVID-19 bị viêm ở cả 2 lá phổi kèm theo triệu chứng khó thở.
Đây chính là lúc giai đoạn 2 bắt đầu. Trước sự hiện diện của virus ngoại lai, cơ thể chúng ta phản ứng chống lại bằng cách tăng cường sản sinh các tế bào miễn dịch đến phổi để khắc phục những tổn thương. Nếu hoạt động đúng, quá trình viêm sẽ được kiểm soát chặt chẽ và chỉ giới hạn ở các bộ phận bị nhiễm virus. Mặc dù vậy, đôi khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn, chúng sẽ tiêu diệt tất cả mà không phân biệt là virus hay mô khỏe mạnh. Khi này, chính cơ thể chúng ta trở thành mối nguy, tình trạng viêm phổi có thể trở nên tồi tệ hơn.
Trong giai đoạn 3, tổn thương phổi tiếp tục lan rộng, có thể dẫn đến suy hô hấp. Trong trường hợp may mắn nhất là không tử vong thì người bệnh vẫn có nhiều khả năng chịu tổn thương phổi vĩnh viễn với đặc thù hình ảnh phim chụp phổi dạng “tổ ong”. Những lỗ hổng trên phổi này có thể là các mô sẹo do hệ miễn dịch quá mẫn tạo ra. Khi đó, người bệnh thường cần phải sử dụng máy thở để hỗ trợ hô hấp.
Các vấn đề tim mạch
Tiến sĩ Laura E. Evans thuộc trung tâm Y tế Đại học Washington ở Seattle cho biết COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng đến tim và mạch máu như làm nhịp tim không đều, tim bơm không đủ máu đến các mô hoặc gây huyết áp thấp và cần dùng thuốc. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cơ sở để khẳng định COVID-19 gây hại trực tiếp cho tim.
Ảnh hưởng hệ tiêu hóa
Trong thời kỳ dịch SARS và MERS bùng phát, gần 1/4 người bệnh có triệu chứng tiêu chảy. Đây là một đặc điểm quan trọng khi so sánh với các virus khác thuộc họ corona. Tuy nhiên, giáo sư Frieman cho rằng vẫn chưa đủ cơ sở để đánh giá mức độ đáng kể của các triệu chứng tiêu hóa trong đợt bùng dịch mới đây của SARS-CoV-2, vì các trường hợp bị tiêu chảy và đau bụng vẫn có nhưng rất hiếm. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao một loại virus gây bệnh đường hô hấp lại tấn công vào hệ tiêu hóa?
Khi bất kỳ loại virus nào xâm nhập vào cơ thể con người, nó sẽ tìm kiếm các tế bào có protein bên ngoài được gọi là thụ thể. Khi virus tìm thấy một thụ thể tương thích trên một tế bào, nó có thể tiến hành thâm nhập. Một số virus rất kén chọn về con đường tấn công còn số khác thì lại “dễ dãi” hơn khi “dễ dàng thâm nhập vào tất cả các loại tế bào”, bà Anna Suk-Fong Lok, trợ lý trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Y Michigan, cựu chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về Bệnh gan Hoa Kỳ, cho biết.
Cả virus gây SARS và MERS đều có thể tấn công vào các tế bào lót trong ruột non và ruột già. Những phản ứng viêm tại đây gây ra các kích ứng mạnh mẽ khiến người bệnh bị tiêu chảy. Các nhà nghiên cứu tin rằng virus gây bệnh COVID-19 sử dụng cùng một thụ thể như SARS, do đó chúng có thể hiện diện trong phổi và ruột non của người bệnh.
Phản ứng từ hệ miễn dịch
Do phản ứng miễn dịch quá mức đã được đề cập bên trên, virus SARS-CoV-2 cũng có thể gây ra nhiều vấn đề ở các hệ thống khác của cơ thể. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy 92% người bệnh mắc MERS xuất hiện ít nhất 1 dấu hiệu khác ngoài các vấn đề về phổi. Trên thực tế, cả 3 chủng virus gây SARS, MERS và COVID-19 đều có tác động toàn thân: làm men gan tăng cao, số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm, huyết áp thấp. Trong một số ít trường hợp, bệnh nhân bị tổn thương thận cấp và ngưng tim.
Tuy vậy, theo nhà virus học và nghiên cứu khoa học Angela Rasmussen (Đại học Y tế Công cộng Mailman), đây không hẳn là dấu hiệu cho thấy bản thân virus đang lây lan khắp cơ thể vật chủ mà có thể là do hội chứng bão cytokine.
Cytokine là các protein được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch và đóng vai trò dẫn đường cho các tế bào miễn dịch đến vị trí nhiễm trùng để tiêu diệt các mô bệnh, làm lành tổn thương. Tuy nhiên, nếu cytokine được giải phóng quá nhiều thì tác hại lại khôn lường. Các tác động của hội chứng bão cytokine có thể lan rộng ra khỏi khu vực phổi. Hội chứng gây ra tình trạng viêm làm suy yếu các mạch máu phổi và khiến dịch lỏng thấm qua các túi khí.
“Về cơ bản, người bệnh có thể bị xuất huyết nội”, bà Rasmussen cho biết. Sỡ dĩ bệnh được gọi là hội chứng bão cytokine vì tình trạng này sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề mang tính hệ thống ở đa cơ quan.
Con người dựa vào hệ miễn dịch để đối phó với các mối đe dọa ngoại lai. Đôi khi, cơ thể chúng ta không chỉ nhắm mục tiêu vào các tế bào bị nhiễm bệnh mà còn tấn công phải các mô khỏe mạnh khiến tình trạng bệnh có thể chuyển biến xấu hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng nhất ở người mắc COVID-19, phản ứng cytokine kết hợp với khả năng bơm oxy đi khắp cơ thể bị giảm có thể dẫn đến suy đa tạng. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác lý do tại sao bệnh lại dẫn đến các biến chứng ngoài phổi. Có một giả thuyết có thể cân nhắc đó là tác động của COVID-19 có liên quan với các tình trạng bệnh nền như bệnh tim hoặc tiểu đường.
Tổn thương gan
Khi virus lây lan từ hệ hô hấp, gan thường là bộ phận cuối chịu tổn thương. Dấu hiệu tổn thương gan được ghi nhận trong các trường hợp mắc SARS, MERS và COVID-19 thường nhẹ nhưng vẫn có ca tổn thương gan nghiêm trọng hơn, thậm chí là suy gan. “Một khi virus đã đi vào đường máu, chúng có thể theo máu đến bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Gan là bộ phận có kết nối nhiều mạch máu do đó sẽ là điểm đến thuận lợi cho virus corona chủng mới này”, chuyên gia Anna Suk-Fong Lok của Đại học Michigan (Mỹ) giải thích.
Gan đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và một số chức năng khác trong cơ thể như dự trữ glycogen, tổng hợp protein huyết tương và thải độc. Gan cũng sản xuất dịch mật, một dịch thể quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Gan được xem là nhà máy hóa chất của cơ thể vì nó đảm trách cũng như điều hòa rất nhiều các phản ứng hóa sinh mà các phản ứng này chỉ xảy ra ở một số tổ chức đặc biệt của cơ thể mà thôi.
Ở một cơ thể bình thường, các tế bào gan liên tục chết đi và giải phóng các enzyme vào máu, sau đó gan nhanh chóng tái tạo các tế bào mới và tiếp tục chức năng thường ngày. Vì quá trình tái tạo đó, gan có thể chịu được rất nhiều tổn thương.
Nồng độ enzyme trong máu cao bất thường (men gan cao) là một dấu hiệu cảnh báo. Đây cũng là tình trạng chung của người mắc SARS và MERS. Các nhà khoa học không thực sự hiểu rõ cách thức loại virus đường hô hấp này tác động như thế nào đến gan. Có khả năng chúng lây nhiễm trực tiếp vào gan, sao chép, nhân lên và tiêu diệt các tế bào. Trong một số trường hợp, những tế bào đó cũng có thể bị tổn thương do phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus dẫn đến phản ứng viêm nghiêm trọng ở gan.
COVID-19 tác động đến thận
Có khoảng 6% bệnh nhân SARS và 25% bệnh nhân MERS bị tổn thương thận cấp, COVID-19 cũng có biểu hiện tương tự theo các nghiên cứu ban đầu. Những tác động đến thận có thể tương đối hiếm gặp nhưng lại là biến chứng gây tử vong. Có khoảng 91.7% người bệnh SARS bị suy thận cấp đã không qua khỏi, dựa trên một nghiên cứu năm 2005 của tờ Kidney International.
Giống như gan, thận hoạt động như một bộ lọc máu. Mỗi quả thận chứa khoảng 800.000 đơn vị chức năng thận gọi là nephron, gồm 2 quá trình lọc máu và hấp thụ lại. Ống thận có thể là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các virus chủng corona này. Sau khi dịch SARS bùng phát, WHO đã báo cáo tìm thấy virus trong ống thận người bệnh, có thể gây viêm.
Kar Neng Lai, giáo sư danh dự tại Đại học Hồng Kông kiêm chuyên gia tư vấn về thận tại Viện điều dưỡng và Bệnh viện Hồng Kông cho biết việc phát hiện ra virus trong ống thận không phải là hiếm. Thận phải liên tục lọc máu, đôi khi các tế bào hình ống này có thể bẫy được virus và gây ra một số thương tổn nhẹ. Tuy nhiên, nếu virus xâm nhập vào các tế bào và bắt đầu nhân lên thì thương tổn đó có thể gây chết người.
Mặc dù vậy, theo giáo sư Lai, hiện vẫn không có bằng chứng nào cho thấy virus gây SARS nhân lên ở thận. Tổn thương thận cấp tính ở người bệnh SARS hay COVID-19 có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm huyết áp thấp, nhiễm trùng máu, thuốc kháng sinh hoặc rối loạn chuyển hóa, suy đa tạng do hội chứng cytokine hay dùng máy thở trong thời gian quá dài.
Tấn công hệ thần kinh trung ương
Theo Hãng tin Tân Hoa xã, các bác sĩ Trung Quốc đã chứng minh được rằng virus SARS-CoV-2 có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương của người bệnh. Cụ thể là vào ngày 5-3-2020, các bác sĩ của Bệnh viện Địa Đàn tại Bắc Kinh tuyên bố phát hiện virus SARS-CoV-2 trong dịch não tủy của 1 bệnh nhân nam 56 tuổi đã được chẩn đoán mắc COVID-19 vào ngày 24-1.
Các phác đồ điều trị thông thường cho các ca COVID-19 không hiệu quả đối với trường hợp này. Khi được điều trị tại khoa hồi sức tích cực (ICU), người bệnh này có những triệu chứng liên quan tới tình trạng suy giảm nhận thức, dù các hình ảnh chụp CT phần đầu không có dấu hiệu bất thường. Sau khi được áp dụng phác đồ điều trị viêm não do virus, các triệu chứng thần kinh dần thuyên giảm. Người này đã được chuyển tới khoa truyền nhiễm vào ngày 18-2 và xuất viện hôm 25-2.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cũng từng phát hiện virus gây SARS và MERS có thể xâm nhập hệ thống thần kinh của người bệnh, nên việc vrus gây COVID-19 cũng có khả năng tương tự là điều không quá bất ngờ.
Phụ nữ có thai và tác động từ COVID-19
Trường hợp 2 em bé sơ sinh ở Vũ Hán dương tính với virus SARS-CoV-2 chỉ 30 giờ sau khi sinh lập tức đặt ra nghi vấn liệu mẹ có thể lây virus cho con từ trong bụng hoặc qua sữa mẹ hay không? Trên thực tế, đường lây từ mẹ sang con không được quan sát thấy trong các nghiên cứu về SARS và MERS. Theo nhà virus học Angela Rasmussen (Đại học Columbia, Hoa Kỳ), có nhiều lý do khiến một em bé nhiễm virus này, chẳng hạn như sinh ra trong một bệnh viện nhiều người nhiễm.
Một nghiên cứu đăng ngày 13-2-2020 trên tạp chí uy tín The Lancet cũng đưa ra bằng chứng sơ bộ rằng virus SARS-CoV-2 không truyền từ mẹ sang con. Nhóm khoa học đã theo dõi tác động của COVID-19 ở 9 phụ nữ mang thai trú tại Vũ Hán (Trung Quốc). Một số phụ nữ trong nhóm này bị biến chứng thai kỳ, nhưng tất cả các trường hợp đều sinh con an toàn, không dương tính với virus bệnh. Nghiên cứu này tuy không loại trừ hoàn toàn khả năng lây truyền khi mang thai nhưng nó nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng trong việc dự đoán về các tác động của COVID-19.
(theo: Hellobacsi)
>> Xem thêm: 9 cách ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả cho gia đình bạn