Theo thống kê, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế tại Việt Nam cũng như trên thế giới, diễn biến nặng hoặc tử vong hầu hết có liên quan đến người có nhiều bệnh nền như suy thận, bệnh lý tim mạch, bệnh phổi, ung thư, béo phì, đái tháo đường… Dưới đây là 8 bệnh nền phổ biến có nguy cơ gia tăng mức độ nặng và khả năng nhiễm COVID-19 theo Bộ Y tế và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa kỳ (CDC) khuyến cáo.
Người trên 65 tuổi
Theo CDC Hoa Kỳ, 80% trường hợp tử vong do COVID-19 ở Mỹ là người trên 65 tuổi. Người cao tuổi dễ mắc và tử vong hơn do suy giảm khả năng miễn dịch, dẫn tới khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng kém đi. Do hệ miễn dịch suy yếu, có xu hướng gây phản ứng quá mức tới quá trình viêm gây tổn thương thận, phổi và nhiều cơ quan khác của cơ thể. Dễ biến chứng, do viêm đường hô hấp, dễ gây các biến chứng các bệnh tim, gan, thận đã có trước đó. Chức năng của phổi giảm do khả năng duy trì nhịp thở và thông khí kém, gây viêm phổi dễ dẫn đến suy hô hấp.
Người mắc bệnh phổi mạn tính
Do COVID-19 gắn vào các tế bào thông qua các protein được gọi là thụ thể ACE 2, các thụ thể này tồn tại mật độ cao ở mũi, khí quản và đường hô hấp, nơi virus xâm nhập và gây bệnh. Virus xâm nhập vào sâu. Các bệnh lý phổi gây xơ hóa mất tính đàn hồi của phổi, hen suyễn tăng tiết dịch gây tắc nghẽn. Do vậy, viêm phổi do COVID-19 làm tăng quá trình tắc nghẽn, làm tăng nguy cơ tử vong.
Người suy giảm miễn dịch
Những người nhiễm HIV, bệnh ung thư, những người đang điều trị tia xạ, hóa chất, những người ghép tạng dùng thuốc ức chế miễn dịch chống thải ghép. Những người này có hệ miễn dịch yếu, tăng khả năng các bệnh nhiễm trùng, dễ mắc và diễn biến nặng khi nhiễm COVID-19.
Người bệnh tim mạch
Những người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ tử vong gấp đôi khi mắc COVID-19 so với những người không có tiền sử bệnh tim mạch. Do hệ thống tim mạch và hô hấp có liên quan chặt chẽ với nhau. Khi nhiễm trùng đường hô hấp, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp ô xy cho các cơ quan gây tăng gánh cho tim, dễ gây tăng huyết áp, cơn đau tim bột phát, hoặc đột quỵ.
Người bệnh đái tháo đường
Do tăng lượng đường trong máu mạn tính gây toan máu, làm giảm sản xuất các tế bào miễn dịch. Do vậy làm tăng khả năng nhiễm COVID-19 và tình trạng bệnh nặng hơn. Người có bệnh đái tháo đường có nguy cơ tử vong gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Người bệnh gan
COVID-19 làm tăng men gan, các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống virus, steroid dùng điều trị COVID-19 đều gây hại đến gan, làm suy giảm chức năng gan. Làm cho bệnh gan tiến triển nhanh hơn, diễn biến bệnh nhanh và nặng hơn.
Người bệnh thận mạn tính
Những người mắc bệnh thận mạn, chạy thận, do suy giảm hệ thống miễn dịch, gây giảm các chức năng phổi, tim, thận gây viêm phổi nghiêm trọng làm cho tổn thương thận nặng hơn, nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần do gây suy thận cấp đặc biệt ở những người có suy thận mạn.
Người béo phì
Những người béo phì thường liên quan thường liên quan đến các rối loạn như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, gây suy giảm miễn dịch tăng nguy cơ nhiễm và mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Khả năng sinh miễn dịch kém khi tiêm vắc-xin.
Những người có rối loạn thần kinh
Những người mắc bệnh đa xơ cứng, Parkingson, rối loạn thần kinh vận động, gây rối loạn phản xạ nuốt, các thuốc điều trị rối loạn thần kinh gây ức chế miễn dịch, nhược cơ, gây suy yếu cơ hô hấp. Làm suy giảm chức năng hô hấp, tăng mức nghiêm trọng của COVID-19 .
Do vậy cần phải tuân thủ thông điệp 5K của Chính phủ. Nhất là những người mắc bệnh nền điều trị ổn định bệnh, người trên 65 tuổi cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.
11 dấu hiệu sức khoẻ cần báo ngay cho cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà
Bộ Y tế đã hướng dẫn người nhiễm COVID-19 theo dõi sức khỏe tại nhà hàng ngày về các Chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể).
Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở đốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…
Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý: Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu,… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
Cụ thể:
– Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
– Nhịp thở: Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút; Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút; Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút. Riêng trẻ em cần đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.
– SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
– Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
– Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
– Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
– Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật
– Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
– Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban,…
– Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng,…
Hoặc bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người nhiễm COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người nhiễm COVID-19 chăm sóc, điều trị tại nhà nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; Không bỏ bữa; Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.